Đánh giá Samsung Galaxy J7 Pro: có phải ông vua mới ở phân khúc tầm trung?
Trên thị trường năm 2016, chiếc Galaxy J7 Prime chính là "ngôi sao" của Samsung khi trở thành dòng smartphone tầm trung bán chạy nhất năm.
Sự thành công của J7 Prime phần nào tạo nên áp lực lớn cho thiết bị kế nhiệm của năm nay, Galaxy J7 Pro. Nếu như đối thủ ở thị trường Việt Nam là Oppo chủ yếu nâng cấp về cấu hình, camera chứ không thay đổi thiết kế thì Samsung đã mang tới những nét thiết kế mới cho J7 Pro.
Cấu hình của J7 Pro không thay đổi so với J7 Prime, nhưng được nâng cấp về màn hình (Super AMOLED), camera trước, pin và một số tính năng phần mềm. Với giá bán cao hơn 1 triệu so với năm ngoái, liệu J7 Pro có còn hấp dẫn và giữ vững được phong độ ở phân khúc tầm trung đầy cạnh tranh?
So sánh thông số chi tiết của hai chiếc Samsung Galaxy J7 Pro, J7 Prime
Thiết kế
Chất liệu kim loại đã được Samsung sử dụng trên J7 Prime năm ngoái, nhưng hai phần nắp ở trên/dưới mặt lưng lại là nhựa để bắt sóng. Trên J7 Pro, toàn bộ phần mặt lưng sử dụng chất liệu kim loại, đem lại cảm giác cao cấp và cứng cáp hơn thế hệ trước. Dải ăng ten quen thuộc trên các máy kim loại nguyên khối được cách điệu thành hình chữ U khá lạ mắt. Không phải ai cũng thích kiểu dáng này, nhưng nó mang lại sự mới mẻ, trẻ trung cho J7 Pro.
Hai đường ăng ten hình chữ U khá lạ mắt là điểm khác biệt của J7 Pro
J7 Pro cũng là smartphone tầm trung đầu tiên của Samsung có màu xanh nhạt, gần giống màu "xanh san hô" trên Note 7 và S8. Màu sắc này trẻ trung và lạ, còn nếu muốn những màu truyền thống hơn thì bạn có thể lựa chọn bản màu đen hoặc vàng.
Với kích thước vừa phải và các góc đều được bo tròn, cảm giác cầm J7 Pro trên tay dễ chịu. Thân máy nặng, đầm tay hơn một chút so với thế hệ trước. Về độ hoàn thiện thì các phần tiếp giáp, cổng giao tiếp đều được gia công tốt, khe loa và phần viền mạ nút Home "xấu xí" trước đây giờ đều được Samsung thay đổi để phù hợp hơn với toàn bộ thân máy. Tuy nhiên vị trí của các cổng ở cạnh dưới thì vẫn lệch nhau, không thẳng hàng.
Thiết kế khay SIM cho phép dùng cùng lúc cả 2 SIM và thẻ nhớ
Về tổng thể thiết kế, J7 Pro đã có sự thay đổi và cải tiến so với chiếc J7 Prime của năm ngoái theo hướng trẻ trung hơn, cảm giác cầm nắm cũng chắc chắn hơn.
Màn hình và loa
Công nghệ màn hình Super AMOLED lần đầu tiên được Samsung áp dụng trên chiếc J7 Pro tầm trung, giúp khả năng hiển thị của máy tốt lên nhiều. Màu đen được hiển thị sâu hơn, độ tương phản cao, cùng các màu sắc khác được hiển thị rực góp phần đem lại hình ảnh nịnh mắt, ấn tượng. Độ sáng tối đa của màn hình đủ để dùng ngoài trời, nhưng không sáng như những máy cao cấp.
Vấn đề chung của màn hình điện thoại Samsung là khi bật chế độ hiển thị mặc định (Tối ưu hiển thị), màu sắc sẽ rực hơn và có phần không thật. Nếu muốn màu sắc hiển thị chuẩn hơn thì bạn có thể chọn chế độ Cơ bản. Ở chế độ này, màu sắc hiển thị nhạt hơn và chuẩn hơn hẳn so với các smartphone cùng tầm giá.
Super AMOLED cũng là điều kiện cần để Samsung tích hợp tính năng luôn hiển thị Always-on Display trên J7 Pro. Tất cả các thông báo, thông tin cơ bản sẽ được hiển thị ở màn hình chờ, giúp cho người dùng không cần phải bật màn hình cũng nắm bắt được thông báo. Tính năng này vừa có thể giúp người dùng tiết kiệm pin, vừa giảm số lần mở máy và sử dụng trong ngày.
Vị trí loa ở J7 Pro đặt tại cạnh phải giúp giảm khả năng loa bị tay che mất khi cầm chơi game, xem phim. Chất lượng loa chỉ ở mức trung bình, không có gì đặc biệt. Khi dùng ở ngoài đường, với nhiều tạp âm thì âm lượng của loa hơi nhỏ, khó nghe rõ.
Hiệu năng
Phần cứng là điểm mà J7 Pro không có nâng cấp so với J7 Prime. Máy vẫn trang bị chip Exynos 7870 tám lõi, RAM 3GB và bộ nhớ trong 32GB, hỗ trợ mở rộng 256GB với thẻ nhớ MicroSD. Cấu hình tầm trung này đủ đáp ứng ổn các tác vụ sử dụng thông thường, lướt web hay các ứng dụng mạng xã hội.
Trong quá trình sử dụng, đôi lúc các ứng dụng này cũng hơi giật hoặc xử lý chậm, đó có thể là lỗi của ứng dụng (Facebook là một ứng dụng thiếu ổn định), cũng có thể do hạn chế về mặt phần cứng. Nhìn chung trải nghiệm sử dụng của J7 Pro không nổi bật hẳn so với những smartphone cùng tầm giá.
Điểm Antutu đánh giá hiệu năng tổng thể của thiết bị
Điểm GeekBench đo hiệu năng của xử lý đơn nhân và đa nhân của CPU
Điểm GFXBench Manhattan đo hiệu năng xử lý đồ hoạ của GPU ở độ phân giải thực của máy (onscreen) và độ phân giải tiêu chuẩn (Full-HD).
Hạn chế của cấu hình tầm trung và màn hình Full HD thể hiện khi chơi những game nặng về đồ họa như Warhammer 40K: Freeblade. Ở mức đồ họa cao nhất, máy chỉ đạt mức khung hình trung bình dưới 20 hình/giây, do vậy chơi giật và không đã. Với game Dead Trigger thì J7 Pro xử lý tốt hơn khi đạt mức xấp xỉ 40 khung hình/giây ở thiết lập đồ họa nặng nhất, là mức chơi được. Dù vậy độ phản hồi khi thao tác trên màn hình lại không cao, người viết có thể cảm nhận được độ trễ khi di tay và cảm ứng. Độ trễ này dù rất nhỏ cũng có thể ảnh hưởng tới trải nghiệm khi chơi các game dạng bắn súng.
Với game Dead Trigger 2, J7 Pro đạt mức khung hình chơi ổn nhưng không ổn định, và độ trễ cũng khá lớn
Còn với game Warhammer 40K, máy chơi khá tệ với mức khung hình/giây chưa được 20
Giống như nhiều điện thoại cùng tầm giá, J7 Pro đủ dùng cho các tác vụ phổ thông hoặc game nhẹ, nhưng hiệu năng chưa đủ để chơi tốt các game có đồ họa nặng, chi tiết.
Camera
J7 Pro được nâng cấp camera trước với độ phân giải 13MP, có đèn flash trợ sáng. Camera sau vẫn giữ độ phân giải 13MP như J7 Prime. Phần mềm máy ảnh gần giống với dòng A 2017, với những cử chỉ gạt để điều khiển và có cả chế độ chuyên nghiệp.
Ảnh chụp với điều kiện sáng tốt có độ nét cao, nhưng màu sắc thì hơi lạnh
Tốc độ lấy nét của J7 Pro ở mức khá, gần bằng dòng A. Ảnh xuất ra có độ nét cao, màu sắc có phần hơi lạnh ngoại trừ lúc chụp ở những khung cảnh có ánh đèn vàng. Dải sáng của ảnh không ấn tượng, nhưng được cải thiện đáng kể nếu chụp với chế độ HDR.
Ảnh chụp thông thường (trên) có dải sáng không rộng nên khi chụp trời nắng, những phần sáng dễ bị cháy. Điều này được cải thiện khi chụp bằng chế độ HDR
Máy xử lý nhiễu tốt, ảnh chụp buổi tối cũng không bị nhiễu nặng. Samsung quảng cáo rằng khẩu độ lớn f/1.7 sẽ giúp camera "thách thức bóng tối", nhưng trong thực tế khi ánh sáng không thuận lợi thì ảnh vẫn dễ bị nhòe, rung do tốc độ màn trập chậm, có thể xuống tới mức 1/17 giây. Ở chế độ chụp chuyên nghiệp, người dùng điều chỉnh được cân bằng trắng, ISO và độ bù sáng, trong đó cân bằng trắng là tùy chỉnh đáng lưu ý nhất để màu sắc ảnh chuẩn hơn.
Ảnh chụp buổi tối có chất lượng ở mức khá, không bị nhiễu
Kể cả khi chụp ở điều kiện sáng yếu, máy vẫn giữ được độ chi tiết vừa phải, không bị nhiễu nhưng ảnh dễ bị nhòe do tốc độ chụp chậm
Do có đèn flash, việc chụp "tự sướng" vào buổi tối với J7 Pro trở nên dễ dàng hơn. Khi bật đèn và chụp, máy sẽ sáng đồng thời cả đèn flash và màn hình, đảm bảo đủ sáng cho khuôn mặt kể cả khi xung quanh rất tối. Đèn trợ sáng sẽ khiến cho khuôn mặt căng, bóng hơn một chút, gần giống khi bật hiệu ứng làm đẹp.
Ảnh chụp "tự sướng" buổi tối ở chế độ thường (trái) và khi bật đèn flash. Ảnh chụp có flash da mặt căng, bóng và ảnh nét hơn
Trong trường hợp chụp ngược sáng, đèn flash cũng giúp cho khuôn mặt rõ hơn
J7 Pro có 3 hiệu ứng làm đẹp, có thể điều chỉnh theo nhiều mức độ. Nếu chỉ dừng lại ở mức giữa thì ảnh chụp tự sướng được làm đẹp khá tự nhiên, dễ nhìn chứ không quá giả. Đối với những người dùng thích chụp ảnh selfie thì đây là chiếc điện thoại sáng giá, với nhiều lựa chọn và điều chỉnh để cho bức ảnh đẹp nhất.
Ảnh tự sướng thông thường và khi bật làm đẹp ở mức giữa
Ảnh tự sướng ở môi trường ánh sáng yếu
Pin
Các máy tầm trung của Samsung gần đây đều có thời lượng sử dụng pin tốt, và J7 Pro vẫn được kế thừa ưu điểm đó. Viên pin của sản phẩm có dung lượng 3600 mAh, kết hợp cùng màn hình Super AMOLED và các tối ưu về mặt phần mềm để đem lại thời gian sử dụng pin dài.
Khi áp dụng các bài đánh giá pin tiêu chuẩn của VnReview, J7 Pro đều cho kết quả vượt trội so với những điện thoại cùng tầm giá. Cụ thể, máy đạt trên 14 giờ xem phim, hơn 7 giờ chơi game và hơn 9,5 giờ lướt web liên tục.
Xem phim lưu trên máy với phần mềm MX Player, ở độ sáng màn hình và âm thanh mức 70%, tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10% thì dừng
Chơi game giả lập trên phần mềm GFX Bench với độ sáng màn hình khoảng 70% cũng tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10% thì dừng.
Bài đo thời gian lướt web thực hiện trên mạng Wi-Fi thông qua chương trình giả lập việc sử dụng trong thực tế, tự động mở lần lượt và lặp lại 3 trang web phổ thông, giả lập thao tác cuộn trang để tính thời lượng pin từ 100% đến 10% với độ sáng màn hình 70%.
Trong quá trình sử dụng thực tế, J7 Pro có thể dùng cả ngày với các nhu cầu như lướt web, mạng xã hội và chơi một số game nhẹ, sử dụng cả kết nối 4G và WiFi. Khi bật đồng bộ nền với Facebook và email, đồng thời bật cả tính năng Always-on Display thì máy mất khoảng trên 1% pin chờ mỗi giờ, gần với mức mà nhà sản xuất công bố.
Để hạn chế các ứng dụng chạy ngầm, J7 Pro cho phép người dùng ép ứng dụng "nghỉ", chỉ hoạt động trở lại khi chọn mở ứng dụng. Nếu thấy một số ứng dụng dùng quá nhiều pin thì bạn có thể sử dụng tính năng này để kéo dài thời gian sử dụng. Ngoài ra máy cũng có thêm những chế độ tiết kiệm pin, khi bật thì sẽ giảm độ sáng, xung nhịp CPU hoặc tắt dữ liệu nền để dùng được lâu hơn.
Quá trình dùng hơn 1 ngày, hết 87% pin
Trong một lần khác, chúng tôi sử dụng máy gần 2 ngày mới phải sạc pin
Củ sạc theo máy của J7 Pro có thông số đầu ra 5V/1.55A. Thời gian để sạc từ mức 0% tới 100% là 2 giờ 40 phút, là mức trung bình so với những máy tầm trung khác.
Phần mềm
Giao diện của J7 Pro rất giống chiếc S8, chỉ không có phím điều hướng bên trong màn
Máy được cài sẵn Android 7.0, với phiên bản phần mềm mới nhất của Samsung có tên Samsung Experience 8.1. Giao diện của Samsung Experience trên J7 Pro gần như giống hệt bộ đôi S8 từ mục cài đặt, thiết kế biểu tượng, hay thao tác kéo lên/xuống để vào danh sách ứng dụng.
Tính năng sử dụng cùng lúc hai tài khoản mạng xã hội Dual Messenger. Người dùng cũng có thể dùng "Thư mục bảo mật" nếu muốn dùng các tài khoản nhạy cảm
Máy cài sẵn nhiều phần mềm từ bên thứ ba như bộ phần mềm của Microsoft, Facebook hay Opera Max. Một trong những tính năng thú vị của J7 Pro là Dual Messenger, cho phép người dùng sử dụng cùng lúc hai tài khoản mạng xã hội như Facebook, Messenger hay Zalo.
J7 Pro còn có thêm tính năng "Thư mục bảo mật", nơi bạn có thể lưu tập tin hoặc ứng dụng riêng tư và bảo vệ bằng vân tay hoặc mật mã. Nếu có dữ liệu nhạy cảm hoặc muốn sử dụng thêm tài khoản mạng xã hội một cách an toàn thì bạn có thể dùng tới tính năng này.
Kết luận
Samsung đã đưa ra nhiều nâng cấp để chiếc Galaxy J7 Pro trở nên hấp dẫn hơn. Máy có thiết kế khác thế hệ trước, được nâng cấp về camera và tính năng. Sản phẩm cũng có những nét gợi nhớ tới dòng điện thoại cao cấp hơn của Samsung nhờ thiết kế kim loại nguyên khối nặng và chắc, tích hợp những tính năng trước đây chỉ có ở dòng máy cao cấp như màn hình Super AMOLED, Always-on Display hay giao diện giống Galaxy S8. Với mức giá cao hơn J7 Prime của năm ngoái, những nâng cấp này là cần thiết để thuyết phục người dùng đây là một sản phẩm thay thế xứng đáng, hợp lý.
Tất nhiên J7 Pro không phải là một điện thoại hoàn hảo. Với cấu hình khá cũ, hiệu năng của máy, nhất là trong game không sánh được với những smartphone cạnh tranh như Sony Xperia XA1(giá 6 triệu) hay Huawei GR5 2017 Pro (7 triệu). Máy ảnh của hai chiếc điện thoại nói trên cũng có chất lượng cao hơn hoặc tính năng chụp xóa phông (trên chiếc Huawei) mà J7 Pro không có. Nói tới máy ảnh, chiếc smartphone ngang giá Oppo F3(7 triệu) cũng có chế độ selfie góc rộng rất thú vị.
Dù vậy, tổng hợp cả yếu tố thương hiệu và chất lượng, Samsung Galaxy J7 Pro vẫn là một smartphone toàn diện và đáng chú ý ở phân khúc tầm trung. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu chiếc smartphone này tiếp tục là smartphone tầm trung bán chạy nhất của năm nay, giống như những gì J7 Prime đã làm được năm ngoái.
Nguồn: vnreview