Đánh giá chi tiết HTC One M8
Chiếc HTC One M8 năm nay có nhiều cải tiến theo hướng tích cực. Ngoài những nâng cấp như thường lệ về bộ vi xử lý và phần mềm mới hơn, máy có thiết kế nhiều kim loại hơn và đẹp hơn, màn hình lớn hơn, camera sau có thêm camera phụ để tăng tốc độ lấy nét và hỗ trợ tính năng lấy nét sau khi chụp, camera trước được tăng độ phân giải lên 5MP và pin lượng lớn hơn.
Những thay đổi này của HTC One M8 mang lại những cải thiện như thế nào trong trải nghiệm thực tế, đặc biệt là chất lượng camera, một trong những điểm mà chiếc HTC One trước đó vẫn thua kém nhiều so với các đối thủ cạnh tranh như Samsung Galaxy S5 và iPhone 5s?
Thiết kế
HTC là một trong số ít nhà sản xuất tập trung nhiều cho thiết kế, thay vì lo tối ưu chi phí như các hãng khác, điển hình là Samsung. Chính vì vậy mà các sản phẩm của HTC từ vài năm nay, đặc biệt là máy cao cấp như HTC One X, One S của năm 2012 và HTC One của năm 2013 đều có ưu thế về thiết kế so với đối thủ cạnh tranh. Chiếc HTC One M8 của năm nay cũng vậy, đẹp và chất hơn nhiều so với thế hệ cũ và các đối thủ trên thị trường.
So với chiếc One của năm 2013, chiếc M8 dài hơn và rộng hơn (màn hình 5 inch so với 4.7 inch của HTC One cũ) đồng thời cũng nhiều kim loại hơn. Trên chiếc One M8, 90% thân máy là kim loại so với 70% của One cũ. Viền nhựa của chiếc HTC One 2013 đã không còn trên sản phẩm năm nay, thay vào đó là thân nhôm nguyên khối được thiết kế bo tròn ở các cạnh. Máy chỉ còn hai dải nhựa nhỏ phía trên và phía dưới để nhà sản xuất đặt các ăng ten thu sóng. Kích cỡ to hơn và nhiều kim loại nên M8 cũng nặng hơn HTC One cũ, 160g so với 143g.
Bề mặt vỏ kim loại của M8 bóng và nhẵn hơn so với One thế hệ cũ. Trước đó, khi nhìn ảnh M8 ra mắt ở Mỹ vào cuối tháng 3, nhiều người có cảm giác bề mặt bóng của máy trông xấu hơn vỏ của HTC One 2013. Tuy nhiên khi cầm phiên bản màu xám của M8 trên tay, thực sự vỏ máy mang lại cảm giác chất liệu tốt hơn, bóng bẩy hơn và cũng chắc chắn hơn thế hệ cũ. Cảm giác cầm cũng dễ chịu. Máy mỏng đều về phía các cạnh nên cầm ôm tay. Nhìn chung, thiết kế của M8 đã được nâng cấp rõ rệt so với thế hệ cũ, trông "chất" hơn và có thể nói đây là khía cạnh mà sản phẩm của HTC hơn hẳn so với đối thủ Galaxy S5 của Samsung.
Ngoài chất liệu vỏ và kích thước, chiếc One M8 còn có một vài thay đổi về thiết kế đáng chú ý khác. Đó là sự xuất hiện của khe cắm thẻ nhớ ngoài mở rộng tới 128GB ở cạnh phải, khay SIM cũng thay bằng chuẩn Nano SIM giống iPhone 5s nhỏ hơn so với chuẩn micro SIM trên chiếc One của năm ngoái. Ở phía mặt sau, máy có tới hai camera gồm chiếc camera UltraPixel giống như HTC One và chiếc camera phụ để đo độ sâu hình ảnh cùng với cặp đèn flash kép gồm một chiếc màu trắng và một chiếc màu vàng nhằm giúp ảnh chụp thiếu sáng có gam màu tự nhiên hơn.
Tuy nhiên, One M8 cũng có điểm hạn chế so với bản tiền nhiệm là các phím điều hướng (Back, Home và đa nhiệm) được đưa lên màn hình cảm ứng thay vì đặt trên viền màn hình giống như chiếc One 2013. Điều này khiến cho màn hình hiển thị bị thu hẹp một chút, khoảng 0,2 inch. Ngoài ra, máy cũng có cảm giác trơn tay hơn so với vỏ nhựa của Galaxy S5.
Chất liệu kim loại của HTC One M8 trông bóng bẩy, chắc chắn và cao cấp hơn thiết kế vỏ nhựa của Galaxy S5
Màn hình
HTC đã tăng kích thước màn hình của One M8 lên 5 inch. Màn hình vẫn là loại Super LCD3 với độ phân giải Full-HD tương tự chiếc One thế hệ cũ nhưng do kích cỡ lớn hơn nên mật độ điểm ảnh của máy thấp hơn một chút, 441 PPI so với 469 PPI của HTC One.
Tuy vậy, sự khác biệt về độ chi tiết trong thực tế gần như không tồn tại đối với việc sử dụng hàng ngày. Lý do là bởi độ phân giải thấp hơn một chút nhưng màn hình của nó lớn hơn nên chúng ta thường nhìn màn hình vào ở khoảng cách xa hơn so với màn hình 4.7 inch của HTC One cũ. Hơn nữa, mật độ điểm ảnh 441 PPI đã là con số rất cao so với khả năng nhận biết của mắt người.
HTC One M8 hiển thị màu tốt hơn Xperia Z2 và Galaxy 5
Khi nhìn bằng mắt thường, M8 hiển thị nội dung trên màn hình sắc nét, màu sắc tươi tắn, nhiệt màu ấm và độ sáng tốt. So sánh với Galaxy S5 và Xperia Z2 ở chế độ mặc định (Adapt Display với Galaxy S5 và X-Reality với Xperia Z2), màn hình của HTC One M8 (không có các chế độ hiển thị khác) hiển thị màu sắc cân bằng hơn, không gây cảm giác khó chịu do quá rực. Chiếc Galaxy S5 có chế độ Cinema hiển thị màu nhạt hơn, gần với màu thực hơn nhưng vẫn bị ngả xanh nhiều hơn One M8.
Galaxy S5 có góc nhìn tốt hơn HTC One M8 và Sony Xperia Z2
Góc nhìn của màn hình cũng khá tốt, màu sắc và độ tương phản thay đổi rất ít khi nhìn vào màn hình từ các góc rộng. Tuy nhiên, góc nhìn của điện thoại này không tốt được như Galaxy S5. Khi nhìn ở góc khoảng 45 độ, màn hình của HTC One M8 và cả Sony Xperia Z2 đều bị mờ đi một chút, trong khi S5 giữ được màu sắc nguyên vẹn ở mọi góc nhìn.
Kết quả đo bằng phần mềm và thiết bị chuyên dụng cho thấy màn hình của HTC One M8 có độ sáng tối đa cao, nhiệt màu ấm và khả năng hiển thị màu chính xác tốt. Tuy nhiên, độ đen và độ tương phản thấp hơn màn hình của Xperia Z2 và tất nhiên cả Galaxy S5 (máy sử dụng màn hình AMOLED, loại màn hình luôn có lợi thế hơn hẳn về độ đen và độ tương phản so với màn hình LCD).
Bảng kết quả đo màn hình của HTC One M8 và các sản phẩm cạnh tranh
Khả năng hiển thị màu cơ bản: phía dưới là các màu chuẩn và phía trên là các màu chiếc One M8 hiển thị được
Khả năng hiển thị thang màu xám: phía dưới là các màu chuẩn và phía trên là các màu máy hiển thị được
Camera vẫn 4MP nhưng nhiều tính năng
Camera là thành phần được HTC tập trung nâng cấp trên chiếc One mới. Như đã đề cập phía trên, M8 vẫn sử dụng camera UltraPixel 4MP kích cỡ 1/3 inch với ống kính góc rộng 28mm và khẩu f/2.0 tương tự chiếc One 2013. Điểm mới trên chiếc điện thoại năm nay là có thêm camera phụ. Tuy vậy, chiếc camera phụ không thực hiện việc chụp ảnh mà đóng vai trò tính toán khoảng cách của các đối tượng trong ảnh để thu thập thông tin về độ sâu hình ảnh và giúp máy lấy nét nhanh hơn (0,3 giây). Theo HTC, thông tin độ sâu hình ảnh thu được từ camera phụ còn được dùng cho tính năng lấy nét sau khi chụp.
Các chế độ chụp trong giao diện camera của HTC One M8
Chiếc camera sau của M8 được bổ sung cặp đèn flash hai màu trắng và vàng nhằm cải thiện màu sắc các bức ảnh chụp thiếu sáng. Trong khi đó, camera trước cũng được tăng độ phân giải lên 5MP, hướng đến trào lưu chụp tự sướng đang lên hiện nay.
Ảnh chụp tự sướng bằng camera trước
Giao diện ứng dụng camera của M8 thay đổi khá nhiều, trông đơn giản dễ dùng và có thêm nhiều tính năng mới. Ngoài các tính năng cơ bản kế thừa từ One 2013 như chụp hai camera, chụp liên tục và tính năng Zoe, chiếc M8 được bổ sung chế độ chụp chân dung và đặc biệt là tính năng lấy nét sau khi chụp.
Cách lấy nét sau khi chụp của M8 cũng khác biệt so với các điện thoại của Nokia, Samsung và Sony ở chỗ không phải chọn chế độ lấy nét riêng trước khi chụp. Với tính năng chụp trước lấy nét sau ở các máy khác, ví dụ trên máy Nokia thì máy phải chụp tới 7 tấm ảnh ở độ sâu khác nhau, sau đó ghép lại để thực hiện việc tùy chỉnh điểm nét sau khi chụp. Trong khi đó, ảnh chụp từ camera sau của One M8 có thể áp dụng ngay tính năng lấy nét sau khi chụp nhờ vào thiết kế camera kép.
Tính năng UFocus cho phép lấy nét sau khi chụp
Lấy nét tiền cảnh sau khi chụp
Lấy nét hậu cảnh và làm mờ tiền cảnh
Bên cạnh các chế độ tự động, camera của One M8 có chế độ chụp chỉnh tay hoàn toàn, cho phép người dùng tùy chỉnh nhiệt màu, ISO, bù trừ sáng, khoảng lấy nét và thời gian phơi sáng tới 4 giây để chụp thiếu sáng.
Giao diện chế độ chỉnh tay cho phép điều chỉnh nhiệt màu, bù trừ sáng, ISO, thời gian phơi sáng và khoảng nét.
Ảnh chụp phơi sáng từ HTC One M8
Ngoài giao diện mới mẻ và nhiều chế độ chụp, M8 có tốc độ chụp và lấy nét nhanh hơn thế hệ cũ. Tuy nhiên, chất lượng ảnh của HTC One M8 dù có nhiều cải thiện nhưng vẫn gặp vấn đề giống với HTC One trước đây, nhìn chung chưa theo kịp các đối thủ cạnh tranh, nhất là về độ chi tiết và độ rộng của dải màu.
Khi chụp ở môi trường ánh sáng tốt, ảnh chụp của HTC One M8 thu được ít chi tiết hơn và dải màu hẹp hơn so với Galaxy S5 và Xperia Z2. Thế nhưng dung lượng ảnh chụp của M8 nhỏ bằng nửa (hơn 2MB) so với ảnh chụp từ Galaxy S5 và Xperia Z2 (4-5MB) nên việc chia sẻ lên mạng xã hội thuận tiện hơn.
Ở môi trường trong nhà và thiếu sáng, điểm ảnh cỡ lớn giúp One M8 thu sáng tốt hơn Galaxy S5. Đặc biệt, khả năng đẩy thời gian phơi sáng tới 4 giây ở chế độ chỉnh tay cũng rất hữu ích khi chụp thiếu sáng, giúp ảnh sáng rõ hơn mà không cần tăng ISO. Tuy nhiên khi chụp ở môi trường thiếu sáng, tốc độ lấy nét của máy chậm, nên ảnh chụp dễ bị mất nét.
Nguồn: Vnreview.vn